Với sự phát triển rầm rộ của công nghệ thực tế ảo thời gian gần đây, câu hỏi đặt ra với nhiều người là liệu thực tế ảo có gây hại cho sức khỏe ?
Công nghệ VR hay “thực tế ảo” là việc truyền hình ảnh qua một thiết bị kính nhìn đặc biệt lên mắt người dùng giúp dựng lên một không gian 3 chiều ảo với những chuyển động và hành động như trải nghiệm thực. Điều này mở ra một tương lai giải trí mới cho con người như các bộ phim viễn tưởng từ thế kỷ trước mô tả.
Tuy nhiên với sự phổ biến của công nghệ này, ngày càng có nhiều lo ngại về việc nó ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nhất là trẻ em hay không. Câu hỏi “Thực tế ảo có gây hại cho sức khỏe ?” đã được các chuyên gia trong ngành trả lời qua phần lý giải dưới đây.
Thực tế ảo có gây hại cho sức khỏe trẻ em ?
Các nhà sản xuất lớn đều đưa ra khuyến cáo độ tuổi sử dụng sản phẩm VR của mình. The Oculus Rift và Samsung Gear VR khuyến cáo độ tuổi trên 13, Sony PlayStation VR cấm trẻ em dưới 12 tuổi, HTC Vive tuy không đưa ra giới hạn tuổi sử dụng nhưng kèm theo khuyến cáo cẩn thận khi cho trẻ em sử dụng.
Nhiều người dựa vào điều này và kết luận rằng công nghệ VR gây hại cho sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên theo giáo sư Martin Banks – chuyên gia về nhãn khoa, khoa học thị giác, tâm thần học và thần kinh học của đại học California, Berkeley thì không hẳn là như vậy.
“Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy một đứa trẻ ở một độ tuổi nào đó sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng kính VR” – Giáo sư Martin Banks cho biết. “Tôi cho rằng họ (các nhà sản xuất) muốn nói rằng trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, sự phát triển này sẽ chậm lại khi trưởng thành vì vậy tốt nhất nên cẩn thận đề phòng chờ chúng qua giai đoạn phát triển, chúng tôi khuyến cáo không nên cho sử dụng.”
Đó không phải là lý do khó hiểu khi các nhà sản xuất khuyến cáo độ tuổi sử dụng mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm sẽ có hại. Công nghệ VR vẫn còn mới mẻ nên chúng ta chưa biết những tác động lâu dài khi sử dụng. Vì vậy cẩn thận là một việc đương nhiên.
“Có những bằng chứng khá vững vàng về việc ảnh hưởng cận thị, nhất là đối với trẻ em khi nhìn gần trong thời gian dài như đọc sách hay chơi điện thoại ở khoảng cách quá gần với mắt” – Giáo sư Banks lý giải. “Nhưng hãy phân biệt giữa trẻ em sử dụng VR với trẻ em sử dụng smartphone. Với việc dùng smartphone, chúng sẽ giữ điện thoại ở gần và mắt cũng vì thế mà tập trung vào điểm gần. Bạn có thể cho rằng nó cũng hoạt động giống như vậy với VR. Tuy nhiên thấu kính trong VR đã giả lập một khoảng cách xa lên mắt, vì vậy điểm tập trung nhìn của mắt bị dời ra khá xa.”
Thực tế ảo có thể giúp phát hiện sớm bệnh về mắt ?
“Trong thế giới thực, hai mắt có tầm nhìn hơi khác nhau” – Giáo sư Peter Howarth, giảng viên và chuyên gia về thị lực cho biết. “Đối với một đứa trẻ bình thường, điều này (ý nói thực tế ảo) kích thích sự phát triển về thị giác giúp nhận diện độ sâu của cảnh vật bằng thị giác lập phương. Tôi không thấy có gì gây hại khi một đứa trẻ bình thường sử dụng kính thực tế ảo một cách có chừng mực.”
Kính thực tế ảo tạo ra không gian ảo bằng cách cung cấp cho mỗi bên mắt một hình ảnh hơi khác nhau một chút giúp tạo độ sâu của tầm nhìn, tương tự như kính 3D có một bên màu xanh một bên màu đỏ giúp tạo ảo ảnh 3D. Với người có thị lực bình thường sẽ trải nghiệm được cảm giác 3D nhưng với người có mắt yếu sẽ không thấy hoặc bị các triệu chứng như đau đầu, mỏi mắt. Đây sẽ là một tín hiệu hữu ích giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt cho người dùng. Do đó, chiếc kính VR có thể đảm nhiệm vai trò của một máy test thị lực.
“Các nhà sản xuất có thể tạo ra các phần mềm giúp kiểm tra thị lực giúp người dùng biết được mắt mình có bất thường và cần phải đi khám nhãn khoa hay không” – Giáo sư Banks đề xuất.
Thực tế ảo ảnh hưởng với trẻ em và người lớn như nhau
“Các ảnh hưởng đến từ VR được ghi nhận với trẻ em và người lớn như nhau, đó là hiệu ứng say chuyển động (VIMS)” – Giáo sư Howarth giải thích. “Lý do là vì các hình ảnh ảo chuyển động được trình chiếu khiến não bộ hiểu là bạn đang chuyển động và tất nhiên sẽ kéo theo hiệu ứng say chuyển động.”
Nói một cách khác nếu bạn đi tàu xe, máy bay bị say thì bạn cũng sẽ bị say tương tự khi sử dụng kính thực tế ảo.
Hiểm họa cũng có thể đến từ việc tách thế giới ảo và thực. Việc va đụng đồ vật khi dùng kính VR là một ví dụ.
“Khi mang trên mặt kính VR và đi vòng quanh phòng để khám phá thế giới ảo, nguy cơ va đụng với các vật dụng trong phòng ở thế giới thật là có” – Tiến sĩ Cyriel Diels chuyên gia tâm lý học cho biết.
Như vậy, thực tế ảo có gây hại cho sức khỏe ?
Câu trả lời cho câu hỏi “Thực tế ảo có gây hại cho sức khỏe ?” ở đầu bài viết qua nhận định của các chuyên gia có thể rút ra lúc này là: “sẽ gây hại nếu sử dụng không đúng cách”.
Nếu sử dụng đúng chừng mực, chuẩn bị môi trường chơi an toàn không bị va chạm nhiều thì người dùng có thể tận hưởng cảm giác thực tế ảo an toàn. Nếu lạm dụng quá nhiều, sẽ gây hại cho mắt tương tự như với bất kỳ lạm dụng nào về thị lực như xem TV, điện thoại di động hay đọc sách.
Đeo thiết bị VR cũng giống như băng bịt mắt, người dùng sẽ không thấy gì xung quanh thay vào đó là thế giới ảo bên trong chiếc kính vì vậy nếu không chuẩn bị một chỗ chơi an toàn việc đá phải bàn, tủ hay vấp phải ghế là việc chắn chắn xảy ra.
Nếu bạn tuân thủ các nguyên tắc an toàn và sử dụng đúng thời lượng, chiếc kính VR sẽ là người bạn an toàn, thậm chí hữu ích dành cho bạn.