Ngày 04/06/2018 vừa qua, Appota – đơn vị chuyên cung cấp thông tin thị trường mobile đã phối hợp với mạng xã hội thể thao điện tử VTVPlay phát hành bản báo cáo Thể thao điện tử Việt Nam 2018. Đây là bản báo cáo chính thống đầu tiên liên quan đến lĩnh vực thể thao điện tử tại Việt Nam, lĩnh vực đang dần khẳng định được vị thế, thu hút hàng triệu người xem và trở thành một thị trường mới đầy tiềm năng.
Báo cáo đầu tiên tại Việt Nam về thể thao điện tử
eSports đã manh nha xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1996. Năm 2000, sự phổ biến của Internet và các cửa hàng internet đã tạo ra cộng đồng game thủ ngày một lớn hơn. Dù eSports đã xuất hiện được khoảng 20 năm và được công nhận là một bộ môn thể thao chính thống nhưng đây là lần đầu tiên, báo cáo tổng quan về lĩnh vực này ở Việt Nam mới được phát hành.
Báo cáo do Appota thực hiện gửi đến người đọc với các nội dung chính như sau:
- Định nghĩa thể thao điện tử.
- Sự bùng nổ của eSports trên thế giới.
- Toàn cảnh eSports tại Việt Nam.
- Cơ hội tạo dựng sự nghiệp chân chính với eSports.
- Xu hướng và cách nắm bắt cơ hội.
Ngành công nghiệp game và eSports đang phát triển mạnh ở Việt Nam, dần trở thành nội dung đi đầu xu hướng và nhanh chóng nổi lên như một kênh tiếp thị phổ biến. Với thực tế đó, ông Trần Vinh Quang – Giám đốc điều hành Appota cho biết: “Trong bản báo cáo, chúng tôi cung cấp những dữ liệu và nhận định cơ bản về thị trường Esports Việt Nam từ trước tới nay để nhằm hỗ trợ cho cộng đồng Esport trong nước và nước ngoài. Chúng tôi mong muốn những đóng góp của Appota sẽ giúp Esports Việt Nam phát triển bài bản hơn và tạo nên những kỳ tích mới”.
Thể thao điện tử phát triển nhanh chóng trên thế giới và Việt Nam
Báo cáo cho thấy, từ năm 2000, eSports từ Châu Á đã bùng nổ ra toàn cầu. Hàng loạt các giải đấu quốc tế đã diễn ra với giá trị giải thưởng tăng lên nhanh chóng. Năm 2017, Hội đồng Olympics Quốc tế công nhận eSports là một môn thể thao chính thức. Năm 2018, Thế vận hội Châu Á quyết định đưa eSports vào nội dung thi đấu chính thức. Dự kiến đến năm 2021, có hơn 2,5 tỷ người trên khắp thế giới chơi trò chơi điện tử. Báo cáo cũng đưa ra một số lý do khiến eSports trở thành một hiện tượng của thế giới trong đó có những yếu tố như người chơi dễ dàng tiếp cận qua các nền tảng phát sóng trực tuyến, mobile, các yếu tố công nghệ, hình ảnh sống động của game, sự phức tạp trong lối chơi…
Tại Việt Nam, năm 2009, Hiệp hội Thể thao điện tử giải trí được thành lập cho thấy sự cởi mở trong cách nhìn nhận của xã hội đến eSports. Từ năm 2010 cho đến nay, các đội tuyển chuyên nghiệp xuất hiện và được trả lương cứng. Đồng thời bùng nổ các giải đấu lớn như Pro League với tổng giải thưởng lên đến 2 tỷ đồng. Con số người hâm mộ cũng không ngừng gia tăng, từ năm 2016 là 2,8 triệu, dự kiến năm 2021 sẽ lên tới 9,1 triệu fan.
Dự báo tăng trưởng lượng người hâm mộ tại eSports Việt Nam đến năm 2021
Trong tương lai gần, eSports ở Việt Nam sẽ ngày càng chuyên nghiệp hóa với nhiều hệ thống giải chuyên nghiệp và bán chuyên. Đầu năm 2018, Việt Nam đã có những giải đấu danh giá với tổng giải thưởng 7 tỷ 320 triệu từ Vainglory, Liên minh huyền thoại…
Ngoài ra, eSports trên thiết bị di động cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường. Dù mới phát triển từ năm 2015, tiền thưởng của mobile eSports đã chiếm gần một nửa tổng tiền thưởng năm 2017. Trong năm nay, 2 trên 6 tựa game tại Asia Game 2018 là game dành cho điện thoại di động.
eSports trên thiết bị di động đang dần chiếm lĩnh thị trường
Thể thao điện tử đang dần chứng tỏ là một thị trường đầy tiềm năng
Với lượng người hâm mộ phát triển nhanh chóng, số lượng người tiếp cận một số giải đã lên đến hàng triệu, thời gian theo dõi giải đấu cao, việc tài trợ cho giải đấu, đội tuyển, người chơi eSports trong nước trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhãn hiệu quảng bá tới giới trẻ. Trong khi các thương hiệu nước ngoài đang thực hiện rất mạnh như Logitech, Gigabyte, Cocacola… thì các nhãn hàng Việt đang khá rụt rè. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chắc chắn các nhãn hàng Việt sẽ rất quan tâm đến việc tài trợ cho eSports. Bởi chắc chắn Việt Nam sẽ có những người chơi, đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu trong Thế vận hội Châu Á, có cơ hội tạo nên những làn sóng mới như hiện tượng của U23 Việt Nam đã từng làm.
Hệ sinh thái eSports tại Việt Nam
Đầu năm 2018, những giải đấu eSports trong nước đã đem lại cơ cấu giải thưởng lên đến gần 8 tỷ đồng, thu hút hàng triệu lượt xem và số tiền tài trợ khổng lồ từ các nhãn hàng. Đó chính là một phần lý do tai sao vận động viên eSports chuyên nghiệp được trả lương, có thu nhập tốt và chân chính, tạo ra việc làm cho nhiều bạn trẻ tài năng. Không chỉ có vậy, eSports còn mang lại thu nhập cho các bình luận viên giải đấu như PewPew, Viruss…
Hàng trăm phòng máy hiện đại, chuyên nghiệp được đầu tư với tiêu chuẩn cao trên toàn quốc, tạo ra một hệ thống vui chơi giải trí lành mạnh.
Như vậy, sự bùng nổ của eSports trên thế giới và Việt Nam đang tạo dựng một chỗ đứng mới, dần dần thay đổi những định kiến của xã hội về thể thao điện tử. Từ đó, mang đến cơ hội lớn cho nhiều bên.
Giới thiệu về Appota
Appota là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh, hướng tới các lĩnh vực: Phát hành Game, Quảng cáo và Thanh toán. Là một trong ba nhà phát hành game lớn nhất Viêt Nam, Appota sở hữu các kênh truyền thông hàng đầu cho eSports như Gamehub, nhà sản xuất và tổ chức Gank eSports, Vainglory và hệ thống traffic livestreaming. Hiện nay Gamota (thuộc Appota Group) xếp thứ 48 về lượng view game trên Youtube.
Giới thiệu về VTVcab
Từ 2018, VTVcab chính thức tham gia vào ngành eSports Việt Nam với vai trò là đơn vị sản xuất, phát sóng kênh nội dung thể thao chuyên nghiệp. VTVcab đang sở hữu công nghệ sản xuất chương trình truyền hình hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với đồ họa 3D theo thời gian thực, hứa hẹn sẽ tổ chức những giải đấu eSports chuyên nghiệp, ngang tầm thế giới.
Không chỉ dừng lại ở kênh truyền hình, VTVcab còn ra mắt mạng xã hội Thể thao điện tử VTVplay. VTVpaly sẽ được tích hợp những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, cho phép người sử dụng tương tác 2 chiều với tất cả các nội dung và sự kiện eSports trực tiếp.