Card Game Yugioh!

Trivia Yu-Gi-Oh!: Ancient Warriors: Tam Quốc Diễn Nghĩa

Ancient Warriors là Archetype về Tam Quốc Diễn Nghĩa của trò chơi Yu-Gi-Oh!. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu thông qua bản nội dung của Yu-Gi-Oh! Guidance Vietnam nhé.

Chắc các bạn cũng đã từng nghe qua tiểu thuyết lịch sử “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung hay đã từng nghe nói về thời kì Tam Quốc trong lịch sử sách giáo khoa phổ thông? Bạn muốn biết thêm về những lá bài Ancient Warrior có liên hệ gì với các tướng sĩ thời đại Tam Quốc? Vậy thì hôm nay, chúng mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu nhé!

Chú ý: Những “vị tướng” không hẳn họ sẽ là tướng, đây chỉ là cách gọi chung cho những người cầm quân (trong bài viết này).

I. Những vị tướng

1. Những vị tướng ở nước Đông Ngô: Ancient Warriors: Tam quốc diễn nghĩa

Các vị tướng ở nước Đông Ngô được Konami phân biệt rất rõ ràng với các nước khác. Đông Ngô là nơi có những con sông lớn chảy qua, có nhiều đồng bằng phù sa màu mỡ, tiếp giáp với biển Đông, do đó, những vị tướng này có Atrribute là WATER.

Ancient Warriors – Graceful Zhou Gong

Lá bài đầu tiên mà chúng ta đề cập chính là Graceful Zhou Gong, được viết từ cái tên Zhou Yu;hay là tướng Chu Du (175-210) trong Đông Ngô. Cái tên Zhou Gong được ghép từ chữ Chu (trong Chu Du) và chữ Công (trong Công Cẩn – tên tự của ông).

Ông là người có công lớn trong việc tạo dựng lên nhà Ngô thời Tam Quốc. Chu Du nổi tiếng với trận chiến thắng ở Xích Bích trước đại quân của Tào Tháo. Trận Xích Bích (208) là trận chiến lớn bậc nhất thời đó; là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giúp phân định cục diện Tam Quốc. Nó đã làm tên tuổi của ông mãi đi vào lịch sử Trung Quốc.

Trận Xích Bích là một trong những trận thể hiện khả năng tài chiến lược bậc nhất của Chu Du. Với khả năng tiên đoán như thần của ông; kết hợp với khả năng lãnh đạo quân tuyệt vời, nên chỉ với 3 vạn quân trong tay; ông đã tiêu diệt được hơn 80 vạn quân do Tào Tháo chỉ huy. Chính vì lẽ đó, Tôn Quyền vô cùng trọng dụng ông. Khi ông mất, Tôn Quyền vô cùng tiếc thương ông; tự mình mặc áo tang để tang ông.

Trong artwork. chúng ta có thể tưởng tượng lại về dáng vẻ của vị tướng Chu Du hào hùng năm nào: tay cầm chiếc kiếm chuẩn bị hô hào tướng lĩnh; thật là oai nghiêm làm sao!

Ancient Warriors – Masterful Sun Mou

Nhìn vào đây; các bạn có thể đoán ra được một phần nhân vật mà chúng mình định nhắc đến đúng không? Đây chính là Tôn Quyền (181-252). Cái tên của lá bài này được ghép bởi tên thật của ông (Tôn Quyền) và cái tên tự (Trọng Mưu); ghép lại tạo thành cái tên Tôn Mưu (Sun Mou).

Khác với hai đối thủ Bắc Ngụy và Tây Thục, ông – người lãnh đạo Đông Ngô, đóng vai trò trung lập trung các cuộc chiến. Ông chỉ đứng về một trong phía hai bên còn lại nếu điều đó có lợi cho nước Ngô; cũng không bao giờ cố gắng để thống nhất ba nước.

Chính quyền của ông được sử gia ca ngợi là ổn định trong những năm đầu, khi ông nắm quyền. Bằng tài năng dẹp binh của mình; cùng với khả năng ngoại giao khôn khéo; Tôn Quyền đã thu phục được nhiều nhân tài hào kiệt như Chu và xây dựng Đông Ngô mạnh mẽ về cả quân sự và chính trị. Ông qua đời vào năm 252, là người trị vị lâu nhất trong các vua chúa thời bấy giờ.

Trong artwork và cả hiệu ứng, chúng ta có thể nhìn thấy sự uy nghiêm, sức mạnh của vị vua nổi tiếng thời Đông Ngô thời bấy giờ.

Ancient Warriors – Eccentric Lu Jing

Lá bài tiếp theo cũng là tái hiện một nhà chính trị gia nổi tiếng khác. Tên của ông là Lỗ Túc. Cái tên Lu Jing trên lá bài được ghép từ chữ Lỗ (trong Lỗ Túc) và Kính (trong Tử Kính – tên tự của ông).

Là một trong những thuộc hạ thân tín nhất của Tôn Quyền; Lỗ Túc đã vạch ra chiến lược giúp Tôn Quyền tranh bá với các thế lực phong kiến khác; và ông cũng là người kế nhiệm Chu Du ở vị trí người chỉ huy tối cao của quân đội Giang Đông sau khi Chu Du qua đời. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ liên minh giữa Tôn Quyền và Lưu Bị. Ông cũng là người rất kiên quyết trong việc phải duy trì quan hệ liên minh giữa hai nhà Tôn – Lưu để chống lại thế lực của họ Tào ở phía bắc.

Tuy có suy nghĩ Lỗ Túc không bằng Trương Nghi và Tô Tán (2 viên tướng rất giòi về quân sự và ngoại giao thời Chiến Quốc); nhưng Tôn Quyền vẫn tôn trọng ông; vì những đóng góp của ông thời bấy giờ đã vượt xa những thiếu sót của Tôn Quyền, giúp cho Đông Ngô cường thịnh và trở thành một trong ba bá chủ trên lãnh thổ Trung Hoa

Trong artwork, Konami đã thể hiện rất rõ sở thích và khả năng của ông ngoài đời thường: thích đọc sách; nghiên cứu, bàn luận những kế sách mới.

2. Những vị tướng triều Tây Thục:

Triều đại Tây Thục được xem như triều đại chính thống vì nối tiếp dòng dõi thời nhà Hán. Khi nhà Hán suy sụp, Lưu Bị – 1 viên tướng dòng dõi nhà Hán đã tập hợp nhiều tướng tài để mở ra triều đại mới; dòng dõi nhà Hán. Do đó, sử sách gọi đây là Thục Hán. Các vị tướng nơi đây được mô phòng cũng theo hệ khác với các triều khác, đó là hệ WIND.

Ancient Warriors – Valiant Zhang De

Chắc các bạn nhìn tên cũng đoán được đây là ai đúng không? Đúng vậy, đây là Trương Phi (163-221) – một viên tướng lỗi lạc nhà Thục Hán. Cái tên Zhang De là được ghép từ chữ Trương (trong Trường Phi) và Đức (trong Dực Đức hay Ích Đức – tên tự của ông).

Ông xuất thân trong một gia đình giàu có, làm nghề bán rượu; thân hình to lớn, dung mạo oai phong; được học hành cả võ nghệ lẫn sách vở. Trương Phi viết chữ rất đẹp và là một họa sĩ, ông có sở trường vẽ tranh mỹ nhân.

Khi còn trẻ, Trương Phi đã gặp Quan Vũ và Lưu Bị. Ba người đã uống rượu thề, mãi mãi kết giao là anh em. Sau này, khi Lưu Bị khởi binh, Trương Phi cùng với Quan Vũ đã hỗ trợ rất đắc lực. Khi Lưu Bị thất trận, ba anh em ông mỗi người một ngả. Phải đến khi trận Xích Bích đại thắng, Trương Phi mới thể hiện tài cầm binh, có công lớn hỗ trợ Lưu Bị chiếm lại nhiều vùng trên lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy là một viên tướng có tài, nhưng Trương Phi rất xem thường những người kém hơn mình. Khi đang chuẩn bị tấn công Đông Ngô, Trương Phi bị bộ hạ dưới trướng mình là Trương Đạt và Phạm Cương sát hại.

Trong artwork, ta có thể nhìn thấy được thân thể to lớn; dung mạo oai phong hơn người của Trương Phi như thời đó.

Ancient Warriors – Loyal Guan Yun

Vị tướng tiếp theo, không ai khác, đó là người anh em của Trương Phi, chính là Quan Vũ (162?-220); hay còn được biết với tên Quan Vân Trường. Cái tên Quan Yun được lấy từ chữ Quan (trong Quan Vũ – tên thật) ghép với chữ Vân (trong Vân Trường – tên tự của ông).

Quan Vũ thường được xem là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi; và là người đứng đầu trong số Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Thực tế, các tài liệu lịch sử nói rằng chức danh Ngũ hổ tướng cũng chỉ là hư cấu (tuy nhiên đúng là Quan Vũ đã được phong làm Tiền Tướng quân, chức vụ cao nhất trong quân đội Thục Hán). Ông là người góp công lớn trong  việc thành lập nhà Thục Hán; nhưng thất bại của ông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Lưu Bị.

Quan Vũ là được đánh giá là vị tướng có tài năng, võ nghệ dũng mãnh, “sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ” có tài và có nghề”. Về tính cách, ông tuy có nhược điểm là kiêu ngạo, hay quát mắng người khác, thiếu đầu óc chính trị và nhãn quan chiến lược; nhưng ưu điểm của ông là lòng can đảm, tôn sùng lễ giáo, hào hiệp trượng nghĩa, sự kiên cường và lòng trung thành tuyệt đối; những ưu điểm này được người dân đánh giá rất cao; ngay cả Tào Tháo cũng khâm phục và coi ông là một “nghĩa sĩ thiên hạ”. Ông được người đời sau coi là một biểu tượng của những đức tính “Danh lợi không đổi lòng, Giàu sang không dâm loạn, Nghèo hèn không nhụt chí, Oai vũ không khuất phục”.

Khi vào Yu-Gi-Oh!, cái tên Quan Vũ đã được khen ngợi bằng phẩm chất Loyal (trung thành); cũng đủ hiểu Quan Vũ đã được ngợi ca trong lịch sử như thế nào.

Ancient Warriors – Virtuous Liu Xuan

Đây là người anh em của Trương Phi và Quan Vũ, và cũng chính là người đứng đầu của nước Hán Thục, chính là Lưu Bị (160-223). Cái tên Liu Xuan được lấy từ chữ Lưu (trong từ Lưu Bị) và Huyền (trong Huyền Đức – cái tên tự của ông).

Ông được sử sách công nhận là dòng dõi nhà Hán. Sự nghiệp của Lưu Bị khởi đầu bằng việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình; nhưng đường hoạn lộ của ông ban đầu không được suôn sẻ. Gặp lúc nhà Hán suy yếu và nổ ra chiến tranh quân phiệt; Lưu Bị cùng hai người huynh đệ kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi; dần dần tự gây dựng lực lượng và tham gia vào cuộc chiến này.

Trong thời gian nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh châu, Lưu Bị được Gia Cát Lượng theo phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ. Theo đường lối này, ông liên kết với quân phiệt Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống Tào Tháo ở phía bắc, chiếm được một phần Kinh châu và gần trọn Ích châu làm đất dựng nghiệp.

Tuy nhiên, chiến lược Long Trung đối sách có nguy cơ đổ vỡ; vì liên minh với Tôn Quyền rạn nứt; họ Tôn đánh chiếm phần Kinh châu của ông và giết Quan Vũ, khiến Lưu Bị cất quân đánh báo thù và định giành lại đất, sau khi chính thức xưng hoàng đế để kế tục nhà Hán vừa bị họ Tào đoạt ngôi. Thất bại ở Di Lăng khiến Lưu Bị suy sụp, lâm bệnh rồi qua đời. Cơ nghiệp ông gây dựng được truyền lại cho người con cả Lưu Thiện và giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng phò tá.

Nhìn vào artwork. ta có thể thấy ngay được cái ánh nhìn sắc nhọn của vị vua giỏi nhưng đen đủi như thế nào.

Ancient Warriors – Ingenious Zhuge Kong

Nhìn vào lá bài này, chắc hẳn các bạn cũng biết đây là ai rồi đúng không? Đúng vậy, đó chính là Gia Cát Lượng (181-234). Cái tên Zhuge Kong được ghép từ chữ Gia Cát (trong Gia Cát Lượng) và Khổng (trong Khổng Minh – tên tự của ông).

Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công; cuối cùng ông bị bệnh mất trong doanh trại.

Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Con trai và cháu nội của Gia Cát Lượng cũng kế thừa chí nguyện bảo vệ nhà Hán của ông; và đã anh dũng tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ, tạo nên tấm gương “Trung nghĩa truyền gia thế vô song, Ba đời trung liệt chiếu sử xanh” nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát. Gia Cát Lượng cũng là vị quan văn duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thời 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).

Ông khi còn sống có tước hiệu Vũ hương hầu, sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ hầu hay Gia Cát Vũ hầu để tỏ lòng tôn kính.

3. Những vị tướng nhà Bắc Ngụy:

Tào Ngụy là một trong 3 quốc gia trong thời kì Tam Quốc. Tào Ngụy do Tào Tháo xây dựng; nhưng phải đến Tào Phi – con trai của Tào Tháo – mới chính thức thiết lập. Tào Ngụy chiếm đóng khi vực phía Bắc Trung Quốc; do đó, sử sách gọi là Bắc Ngụy. Và cũng giống như 2 triều đại trước, Konami đã phân biệt nhà Bắc Ngụy bằng cách cho những quái thú đó thuộc tính FIRE (khắc tinh với WATER của nhà Đông Ngô)

Ancient Warriors – Ambitious Cao De

 

Chắc hẳn nhìn cái tướng hùng dũng này, các bạn có thể đoán được đây là ai rồi chứ? Đây chính là Tào Tháo (155-220) – người đã có công tạo ra triều đại Tào Ngụy. Cái tên Cao De xuất phát từ chữ Tào (trong Tào Tháo) ghép với chữ Đức (trong Mạnh Đức – biểu tự của ông).

Ông là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc; nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn – Lưu; chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích; thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Ông còn là một nhà thơ xuất sắc.. Ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào; cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.

Là một vị tướng giỏi, song, với hành động “quyền thần đoạt ngôi”; ông đã tạo ra một tiền lệ mới cho hàng loạt những đế vương khai quốc đời sau học theo. Hành động này đã khiến cho sử sách Trung Quốc và nhân dân lên án rất nặng. Vì vương triều Tào Ngụy của Tào Tháo vẫn chưa hoàn thành được đại nghiệp thống nhất; do đó trong mắt Nho giáo truyền thống; ông chỉ là kẻ gian tặc thoán nghịch.

Trong artwork, chúng ta có thể thấy hình ảnh hùng dũng khi rút gươm ra để chuẩn bị chiến đấu cũng đủ để tưởng tượng được tài năng của ông như thế nào.

Ancient Warriors – Fearsome Zhang Yuan

Đây là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất nhà Ngụy Tào; đó chính là Trương Liêu(169-222). Cái tên Zheng Yuan được ghép từ cái tên Trương (trong Trương Liêu) và Viễn (trong từ Vân Viễn- tên tự của ông).

Ông vốn là tướng dưới quyền của Lã Bố. Sau khi Lã Bố bị Tào Tháo giết chết ở Hạ Bì (năm 198), ông đem quân của mình đến đầu hàng Tào Tháo. Ông có công rất lớn trong công cuộc đánh Nam dẹp Bắc; ngày càng chứng tỏ được mình là người có tài năng. Trong trận Hợp Phi; khi phải giáp mặt với quân Đông Ngô với lực lương hơn 10 vạn quân; Truong Liêu không hề nao núng, run sợ; ông đã nhử và đánh úp, làm quân Ngô đại bại. Chính vì lẽ đó, ông được Tào Tháo vô cùng quý trọng.

Chính vì lẽ đó, Konami đã khen ngợi ông bằng từ Fearsome (đáng sợ, ghê gớm), đủ hiểu tài năng và sức mạnh của ông như thế nào.

Ancient Warriors – Deceptive Jia Wen

Ngay sau đây tiếp tục là một vị tướng có tài khác của thời Ngụy Tào. Đó chính là Giả Hủ (147-224). Cái tên Jia Wen là được ghép bởi chữ Giả (trong Giả Hủ) và chữ Văn (trong Văn Hòa – tên tự của ông),

Khi còn trẻ, Giả Hủ là người có học vấn nhưng khả năng của ông thì “người đời chẳng ai biết đến”. Chỉ có một nhân sĩ ở Hán Dương là Diêm Trung; khi tiếp xúc với ông; mới cho rằng ông là người khác thường và có cái tài lạ của Lương, Bình. Giả Hủ đã hỗ trợ cho Tào Tháo đánh bài Viên Thiệu ở trận Quan Độ với mưu kế cắt đứt nguồn cung cấp lương thảo của Viên Thiệu trong trận đánh ở Ô Sào; đó là trận chiến bản lề cho chiến thắng của Tào Tháo trong trận Quan Độ. Sau trận đánh này, Tào Tháo đã cơ bản thống nhất Trung Quốc.

Trong suốt cuộc đời, Giả Hủ đã chứng tỏ mình là một mưu sĩ giỏi, một người có cơ trí, đoán biết thời thế và là một người con có hiếu; do đó, ông rát được Tào Tháo trọng dụng.

Trong artwork, ta có thể hình dùng được cảnh ông đang viết kế sách dâng cho Tào Tháo; đủ hiểu khả năng tiên đoán của ông như thế nào.

4. Thế lực khác:

Ancient Warriors – Rebellious Lu Feng

Đây là vị tướng cuối cùng mà chúng ta nhắc đến. Đó chính là Lã Bố (160?-199). Cái tên Lu Feng này được ghép bởi cái tên Lã (trong Lã Bố) và chữ Phụng (trong Phụng Tiên).

Ông là một trong những tướng lĩnh cầm quân giỏi trong thời Hán. Lã Bố nổi tiếng võ nghệ dũng mãnh, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, được xưng tụng là Phi tướng. Ông có một con ngựa chiến đặc biệt, thường được gọi là Xích Thố nên người thời đó có câu “Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố” (Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố). Tuy vậy, Lã Bố không có tài mưu lược như nhiều đối thủ chính trị khác, lại mang tiếng xấu là phản phúc vô thường khi hai lần trở mặt giết chủ, cuối cùng bại trận và bị Tào Tháo ra lệnh xử tử.

Khi vào Yu-Gi-Oh!, hình như cũng thấy rõ phẩm chất đó; nên Konami đã đặt tên cho lá bài này đi kèm với tính từ Rebellious (phản).

2. Những sự kiện:

Ancient Warriors Saga – Defense of Changban

Đây là một chiến trận lớn trong thời Tam Quốc – trận Trường Bản. Trận Trường Bản diễn ra vào năm 208, giữa 2 thế lực Lưu Bị và Tào Tháo.

Vào năm 208, Tào Tháo đã hoàn thành việc thôn tính những thế lực ở phương Bắc, chuẩn bị đánh xuống phía Nam; mục tiêu quan trọng nhất của ông là Kinh châu, vùng đất có tính chiến lược lớn, làm bàn đạp để tiến thẳng đến vùng đất của Tôn Quyền. Người nắm giữ vùng đất đó là Lưu Biểu, bên cạnh ông còn có Lưu Bị – 1 đối thủ chính trị với Tào Tháo.

Tháng 8 năm 208, Lưu Biểu bị chết; nhưng Lưu Bị lại không biết việc đó, vội sai quân đi chuẩn bị và cấp báo về Lưu Biểu, nên chờ mãi chả thấy đâu. Lưu Tông – con út Lưu Biểu lên thay cha; ngầm gửi thư đầu hàng Tào Tháo. Lưu Bị khi nhận tin, rất giận, trách mắng Lưu Tông; rồi thấy lực lượng mình không đủ nên rút chạy đến Trương Bản.

Khi Lưu Bị đến Trương Bản thì quân Tào đuổi đến nơi, đụng độ với hậu đội của Lưu Bị do Trương Phi chỉ huy. Quân Tào mạnh mẽ đánh tan hậu đội của Trương Phi rồi đánh thẳng vào quân chủ lực Lưu Bị. Dù quân số đông, nhưng không được sắp xếp chỉnh tề; nên quân Lưu Bị bị quân Tào đánh tan. Lưu Bị thiệt hại nặng nề, ra lệnh cho Trương Phi chặn ở đầu cầu để tìm cách thoát thân. Quân Tào nghĩ Trương Phi có kế khác nên không dám liều lĩnh sang đánh. Nhờ đó Lưu Bị cùng các thủ hạ chạy thoát.

Trong artwork chính là khoảnh khắc Trương Phi hùng dũng chặn ở đầu cầu để Lưu Bị thoát. Ta có thể tưởng tượng được, với khí thế hùng dũng như này, còn ai dám đối đầu được với ông nữa chứ!

Ancient Warriors Saga – Sun-Liu Alliance

Đây là một sự kiện khác cũng khá nổi tiếng nếu bạn nào biết đến thời kì Tam Quốc. Đó là Lưu Bị và Tôn Quyền hợp lực, chống lại Tào Tháo.

Sau khi quân Tào đã chiếm Kinh châu, Tôn Quyền đã sai sứ giả tức tốc tới gặp Lưu Bị, đề nghị liên kết chống Tào Tháo. Gợi ý của Lỗ Túc cũng rất hợp với Long Trung sách mà Gia Cát Lượng đã vạch ra. Vì vậy theo ý kiến của Gia Cát Lượng, ông cử Gia Cát Lượng sang sứ Giang Đông liên kết với Tôn Quyền cùng chống Tào. Tôn Quyền ngả theo chủ trương của Chu Du và Lỗ Túc; quyết định liên minh với Lưu Bị chống Tào, sai Chu Du, Trình Phổ và Lỗ Túc mang thủy quân tiến về phía tây để hội binh với Lưu Bị.

Trong artwork; ta có thể hình dung được sự khó khăn, cần thiết của bối cảnh cuộc hội ngộ đó đối với Lưu Bị.

Ancient Warriors Saga – Borrowing of Arrows

Nhìn qua các bạn cũng khó đoán được đây là sự kiện gì đúng không? Nếu như đã từng đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, các bạn mới nhận ra được nó. Đó là mưu kế “Thuyền cỏ mượn tên” nổi tiếng của Gia Cát Lượng.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa vào giai đoạn Tôn Lưu liên minh chống Tào, Chu Du vì muốn làm khó Gia Cát Lượng nên đã yêu cầu Khổng Minh làm 10 vạn mũi tên trong thời gian rất ngắn. Nhưng Gia Cát Lượng đã chất đầy người cỏ xung quanh mạn thuyền; nhân ngày sương mù dày đặc trên dòng Giang Thượng xuất thuyền đến trước doanh trại quân Tào. Tào Tháo liền ra lệnh bắn tên; kết quả là hôm sau Gia Cát Lượng đã dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ do Chu Du yêu cầu mà không tốn một giọt mồ hôi.

Việc thu về 10 vạn mũi tên này đã góp phần tạo lợi thế vô cùng to lớn cho liên quân Tôn Lưu; giúp cho liên quân này thắng thế trong trận Xích Bích trước Tào Tháo lúc bấy giờ.

Ancient Warriors Saga – Three Visits

Đây là một trong những sự kiến đặt dấu mốc quan trọng trong thời nhà Thục Hán – sự kiện chiêu mộ Gia Cát Lượng của Lưu Bị.

Khi Lưu Bị ở Tân Dã, có đến nhà Tư Mã Huy bàn việc thiên hạ. Huy đáp: “Bọn nho sinh đời nay chỉ là một phường tục sĩ, hạng tuấn kiệt hai người, đó là Ngọa Long và Phượng Sồ. Ngọa Long tức Gia Cát Khổng Minh, Phượng Sồ tức Bàng Thống tự Sĩ Nguyên. Có được một trong 2 người đó thì có thể định được thiên hạ”. Lưu Bị nói rằng hãy đưa người đó đến gặp. Tư Mã Huy khuyên Lưu Bị nên tới nhà Gia Cát Lượng để gặp.

Một nhân vật khác nhận được sự kính trọng từ Lưu Bị là Từ Thứ đã tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, gọi Gia Cát Lượng là con rồng nằm. Lưu Bị đã 3 lần đến Long Trung mời Khổng Minh ra giúp. Gia Cát Lượng đã trình bày Long Trung đối sách, được Lưu Bị khen hay. Lúc bấy giờ là năm 208, Lưu Bị 47 tuổi, Gia Cát Lượng chỉ mới 27 tuổi.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung đã xây dựng lên Lưu Bị cùng với Trương Phi và Quan Vũ đã chịu khó đến nhà Gia Cát Lượng; thuyết phục 3 lần để ông phò tá Lưu Bị như trong artwork đã mô tả.

Ancient Warriors Saga – East-by-South Winds

Đây là một chi tiết hư cấu khác trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa mà ít ai nhận ra. Đó là chi tiết Gia Cát Lượng “mượn gió đông” để chiến thắng trận Xích Bích.

Trong trận Xích Bích, do đánh giá quá thấp lực lượng đối thủ, cùng với khả năng thủy chiến không tốt, Tào Tháo liên tiếp phải chuốc lấy thất bại. Ông rút quân về bờ Bắc sông Trường Giang để ổn định lực lượng.

Để giảm thiểu việc thuyền rung lắc do sóng đánh, khiến quân sĩ nôn mửa; Tào Tháo dùng kế “liên hoàn chiến thuyền”; lệnh cho binh sĩ nối các thuyền chiến lại với nhau, cứ 30-50 chiếc cột làm một; ở phía bên trái mạn thuyền. Như vậy, các binh sĩ trên thuyền có thể đi lại như trên đất bằng, thậm chí cưỡi ngựa được.

Nhược điểm của “Liên hoàn chiến thuyền” là biến lực lượng Tào Tháo trở thành mục tiêu lớn, khó di chuyển và dễ bị trúng hỏa công. Thời điểm diễn ra trận Xích Bích là vào lúc thời tiết mùa đông rõ rệt, khi đó chỉ có gió Tây Bắc nên Tào Tháo hết sức yên tâm.

Khi đó, Chu Du quyết định dùng hỏa công. Nhưng để dùng hỏa công, nhất định phải có gió phía Đông Nam, nhưng lúc ấy, chỉ có gió Tây Nam nổi lên, đập cả cờ phướn vào mặt. Chu Du lo lắng, hỏi Gia Cát Lượng có kế gì hay. Gia Cát Lượng tự tin nói mình có tài “hô phong hoán vũ”, mượn gió đông 3 ngày 3 đêm để giúp Đông Ngô đánh Tào Ngụy.

Vài ngày sau, gió Đông Nam nổi lên rất mạnh. Chu Du chỉ chờ có vậy phất cờ tấn công. Hoàng Cái soái lĩnh đội thuyền hỏa công, vờ ra hàng Tào Tháo để tìm cách đến gần rồi bất ngờ phóng hỏa, thiêu cháy chiến thuyền Tào Ngụy. Gió đông càng thổi mạnh khiến lửa bén nhanh; chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiến thuyền chìm trong biển lửa; cùng với sự đại bại của Tào Tháo.

Ancient Warriors Saga – A Man’s Honor

Đây là sự kiện Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo. Đây là chi tiết thể hiện được cái nghĩa của nhân vật Quan Vũ thời đó, ông rất tôn trọng bằng hữu huynh đệ.

Hồi trước, Quan Vũ theo chân Lưu Bị. Quân Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam; gia quyến Lưu Bị đều bị bắt; Quan Vũ không có đường chạy, buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương. Quan Vũ được Tào Tháo ban ân huệ rất hậu hĩnh. Sau này, khi nắm được tình hình Lưu Bị; Quan Vũ đã để lại một lá thư cáo biệt và bỏ đi. Trong thư Quan Vũ biểu đạt ý rằng ân tình của Tào Tháo ông mãi khắc ghi trong lòng, sau này có có hội nhất định sẽ báo đáp.

Sau này, khi ở Hoa Dung Đạo, Tào Tháo đã phải lĩnh cái thất bại nhất trong cuộc đời chinh chiến của mình. Thế nhưng,tính cách nổi tiếng nhất của Quan Vũ là trung nghĩa. Ông trung với Lưu Bị; nhưng vẫn giữ được cái nghĩa với Tào Tháo bằng hành động tha chết cho đối phương. Đó là một hành động đẹp, vẫn còn mãi với lịch sử đời sau. (dù tất cả các hành động này đều được Gia Cát Lượng tính toán; nếu hạ Tào Tháo thì Tôn Quyền sẽ tiến đánh Lưu Bị, một thế cờ vô cùng khó gỡ).

III. Kết thúc:

Đó chính là tất cả những gì tụi mình muốn mang lại cho các bạn trong bài viết này. Hi vọng, từ những lá bài Yu-Gi-Oh! trên, các bạn có thể hiểu hơn về lịch sử thế giới. (Mong là Konami sẽ khai thác thêm về lịch sử Việt Nam). Chào các bạn và hẹn gặp lại các bạn ở những chương truyện sau!

Bài viết gốc tại đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *