Card Game Yugioh!

Card Game Yu-Gi-Oh! TCG là gì? OCG là gì? Tại sao lại có sự phân biệt

Là một người chơi Yu-Gi-Oh! lâu năm, hẳn các bạn đã từng nghe qua hai thuật ngữ TCG và OCG. Vậy TCG và OCG khác nhau ra sao? Tại sao lại có sự khác biệt này? Qua bài viết mình muốn chia sẻ một số thông tin mình đã tra cứu được và hy vọng những điều này sẽ giúp các bạn định hình rõ hơn về Card game Yu-Gi-Oh!

Trước tiên Yu-Gi-Oh TCG và OCG là gì?

Theo Wikipedia, Yu-Gi-Oh TCG là viết tắt cho Yu-Gi-Oh Trading Card Game, hay còn có tên gọi khác ở khu vực Châu Á là Yu-Gi-Oh Official Card Game (Yu-Gi-Oh OCG). Cả 2 đều được phát triển bởi công ty Konami dựa trên trò chơi Duel Monster có nguồn gốc từ bộ truyện Yu-Gi-Oh! của tác giả Kazuki Takahashi.

Vậy Yu-Gi-Oh TCG và OCG là một? Chỉ khác nhau tên gọi?
Đúng và sai, cả 2 tên gọi Yu-Gi-Oh TCG và Yu-Gi-Oh OCG đều để chỉ về trò chơi Card Game trong bộ truyện Yu-Gi-Oh! Luật chơi của TCG và OCG là giống nhau, nhưng TCG và OCG có những điểm khác biệt rất lớn ở mỗi format dẫn đến lối chơi hoàn toàn khác nhau giữa 2 format này

Logo Yu-Gi-Oh Trading Card Game và Yu-Gi-Oh Official Card Game

Những điểm khác nhau rõ ràng nhất có thể kể đến

Banlist:
Banlist là danh sách những card bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng trong thi đấu. Vì banlist của TCG và OCG có rất nhiều điểm khác biệt, dẫn đến sự thay đổi trong lối chơi giữa 2 format. Banlist OCG thường có xu hướng thả lỏng các dòng deck cũ để đa dạng hóa lối chơi, khiến nhiều deck có thể được sử dụng hơn, trong khi banlist TCG thường có xu hướng giới hạn trong 2-3 deck nhất định nhằm dễ kiểm soát Meta Game.

Banlist OCG thường “thả” để nhiều Deck cạnh tranh hơn

Card:
Card TCG có ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha …

Card OCG có ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung và đôi khi là cả tiếng Anh (gọi là card AE – Asian English tuy nhiên loại card này hiện tại đã ngừng sản xuất).

Card của OCG thường ra mắt trước TCG 2-3 tháng vì nguồn gốc của game này vẫn là từ Nhật Bản. Dẫn đến việc người chơi khu vực OCG thường được chơi các chiến thuật mới trước, các card mới ra mắt đều được dùng ngay. Để TCG không bị thua thiệt, người chơi TCG thường sẽ có các card gọi là card TCG Exclusive, những card này phát hành lần đầu sẽ chỉ có ở TCG, sau một thời gian (6-12 tháng) mới import qua OCG. Và dĩ nhiên OCG cũng có những card OCG Exclusive. Những card mà TCG vì một vài lý do gì đó nhất định không chịu releash hoặc trì hoãn phát hành phiên bản TCG.

Ruling

Như đã nói ở phía trên, luật chơi của TCG và OCG là giống nhau, cả 2 format đều có 8000 LP, đều có đủ các Phase, Step trong 1 Turn, đó gọi là Master Rule. Tuy nhiên vì cách diễn giải khác nhau mà TCG và OCG có những quy định, các xử lý khác nhau về ruling như việc xếp chain hoặc quyền ưu tiên của các loại effect. Dẫu vậy đây chỉ là những khác biệt nhỏ, chỉ khi nào thi đấu chuyên nghiệp và gặp các tình huống đặc biệt cụ thể các bạn mới cần lưu ý.

Dù ra mắt ở OCG từ 2011, đến nay Holactie the Creator of Light vẫn chưa có dấu hiệu được ra mắt ở TCG

Vậy làm sao để biết khu vực nào chơi TCG, khu vực nào chơi OCG?

Để dễ dàng phân biệt, bạn có thể  vào trang https://www.yugioh-card.com để xem

Tại đây bạn sẽ được thấy các khu vực Konami quản lý trong đó chia ra làm 5 khu vực lớn như sau:

Các khu vực chính được chia ra bởi Konami

TCG

Khu vực Mỹ và Mỹ Latin (North American + Latin American + Caribbean)

Gồm các nước: Mỹ, Canada, Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Mexico, Nicaragua, Panama, Peru, Venezuela

Website: https://www.yugioh-card.com/en/

Facebook chính thức: https://www.facebook.com/OfficialYuGiOhTCG

Twitter chính thức: https://twitter.com/YuGiOh_TCG

Khu vực Châu Âu, Châu Úc, Châu Phi (Europe + Oceania + Africa)

Gồm các nước: Austria, Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Ý, Israel, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Netherlands, Norway, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Cyprus, Nam Phi, Úc, New Zealand

Website: https://www.yugioh-card.com/uk/

Facebook chính thức: https://www.facebook.com/YuGiOhTCGEU/

Twitter chính thức: https://twitter.com/YuGiOhTCGEU

OCG

Khu vực Nhật Bản (Japan)
Website: https://www.yugioh-card.com/japan/

Twitter chính thức https://twitter.com/yugioh_ocg_info

Khu Vực Hong Kong, Đài Loan, Đông Nam Á (Hong Kong, Taiwan, Asean)

Gồm các nước: Hong Kong, Taiwan, Malaysia, Singapore, Philippines, Thailand

Website: https://www.yugioh-card.com/hk/

Facebook chính thức: https://www.facebook.com/OfficialYuGiOhAsia/

Khu vực Hàn Quốc (Korea)

Website: http://www.yugioh.co.kr/

Facebook chính thức: https://www.facebook.com/yugioh.kr

 

Và Việt Nam
TCG được chơi ở các khu vực Châu Mỹ, Châu Âu hoặc khu vực dùng ngôn ngữ tiếng Anh hay các ngôn ngữ sử dụng kí tự Latin như Mỹ, Canada, Châu Âu, Úc ….
OCG được chơi ở các khu vực Châu Á hoặc khu vực dùng ngôn ngữ không phải kí tự Latin như Nhật, Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Malay, Thái…

Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, tức là trực thuộc quản lý của Konami Hong Kong (tên chính thức là Konami Digital Entertainment Limited) Nếu Việt Nam muốn được Konami công nhận là một Official Region, thì cần có sự ủy quyền của Konami Hong Kong và chịu sự quản lý của Singapore (Konami Digital Entertainment Pte. Ltd.) như các nước Đông Nam Á khác. Konami Nhật Bản (Konami Digital Entertainment Co., Ltd) sẽ chỉ quản lý khu vực Nhật Bản, và với truyền thống, họ đã có đủ vấn đề để chăm lo cho thị trường khó tính này rồi. Khả năng Konami ở Mỹ (Konami Digital Entertainment, Inc.) hay ở Châu Âu (Konami Digital Entertainment B.V.) được phép can thiệp vào 1 khu vực không thuộc kiểm soát của mình tương đương với việc họ cho phép người Việt tự in card Yu-Gi-Oh! giá rẻ, tức là tiệm cận mức viễn vông. Dù trên danh nghĩa, tất cả đều là công ty con của tập đoàn Konami tại Nhật nhưng là công ty riêng biệt ở khu vực riêng biệt. Không tin ư? Bạn cứ thử email đến hộp thư của Konami tại Châu Âu hoặc Mỹ, nhờ hỗ trợ sự kiện xem. Cam đoan với bạn, email gửi về cho các bạn sẽ là “Hãy liên lạc với đồng nghiệp của chúng tôi tại Hong Kong nhé”.

Hình ảnh giải YOT Malaysia do Konami Hong Kong tổ chức hồi tháng 4/2019

Tại sao lại có sự phân chia TCG và OCG?

Tại sao cùng là một trò chơi xuất phát từ truyện tranh Yu-Gi-Oh! nhưng lại phải phân chia ra TCG và OCG, để rồi làm nên sự khác biệt lớn giữa cả 2 format như vậy? Không có tài liệu cụ thể nào ghi lại việc này nhưng một số người theo dõi sự hình thành của Yu-Gi-Oh! TCG từ những ngày đầu lý giải như sau: Ngay từ đầu Konami chỉ quản lý format OCG, lần đầu tiên Yu-Gi-Oh Trading Card Game được ra mắt tại Mỹ vào năm 2002, Yu-Gi-Oh TCG được giới thiệu bởi công ty Upper Deck Entertainment. Như nhiều công ty Nhật khác, Konami nghĩ Yu-Gi-Oh! sẽ không thành công tại đất Mỹ nên họ cho Upper Deck rất nhiều quyền lợi khi phát hành Yu-Gi-Oh! Card Game. Không ai nghĩ một card game phong cách Anime Manga Nhật Bản lại thành công rực rỡ tại nơi trước giờ thuộc về Magic The Gathering, một card game có thiết kế và phong cách chơi rất khác.

Burning Abyss, những lá bài từng là TCG Exclusive, với artwork đậm dấu ấn phương tây

Upper Deck, để giữ người chơi đã quyết định đi một nước cờ táo bạo là tạo ra các card TCG Exclusive và banlist riêng biệt, tách hẳn Yu-Gi-Oh TCG ra khỏi Yu-Gi-Oh OCG nhằm thỏa mãn những người chơi tại khu vực Châu Mỹ. Chiến lược của Upper Deck mang lại lợi nhuận khổng lồ từ thị trường Yu-Gi-Oh TCG và dẫn tới vụ kiện đình đám giữa Konami và Upper Deck vào năm 2008.

Vụ kiện Konami và Upper Deck 2008-2009

Tháng 12 năm 2008, Konami khởi kiện Upper Deck, cáo buộc Upper Deck phân phối các card làm riêng cho khu vực Yu-Gi-Oh TCG (các card TCG Exclusive) mà không được sự đồng ý hay ủy quyền từ Konami. Upper Deck kiện ngược lại Konami, cáo buộc vi phạm hợp đồng và vu khống. Vài tháng sau, Tòa án Liên Bang Los Angeles ra quyết định hủy quyền phân phối Yu-Gi-Oh TCG của Upper Deck và yêu cầu Upper deck gỡ bỏ Yu-Gi-Oh TCG khỏi websie của họ. Tháng 12 năm 2009 Tòa phán quyết Upper Deck phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho việc làm giả card Yu-Gi-Oh và hủy đơn kiện của Upper Deck với Konami.

TCG – OCG vốn đã khác nhau từ rất lâu rồi

Quyền sản xuất và phân phối card Yu-Gi-Oh TCG trở về với Konami, các giải đấu Regional và National của TCG cũng về dưới sự quản lý của Konami. Tuy nhiên Konami chưa từng có ý định hợp nhất TCG/OCG vì người chơi đã quen dần và chấp nhận việc có 2 format cùng tồn tại. Họ vẫn tiếp tục mua các sản phẩm mới. Vì thế Konami giữ nguyên cách hoạt động của Upper Deck và phát hành các card TCG lẫn OCG Exclusive, duy trì 2 format và kiếm tiền từ cả 2 format trên

Đây là những gì mình thu nhặt được trong quá trình tìm hiểu về nguồn gốc cũng như sự khác biệt giữ 2 format TCG và OCG. Mong rằng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cách Konami vận hành Yu-Gi-Oh! Card Game cũng như hiểu hơn nguyên nhân có sự khác biệt giữ TCG và OCG.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Lê Tấn Châu, một người chơi lâu năm tại Tp.HCM, và là một thành viên của HDA – Hội Yu-Gi-Oh! tại Tp.HCM.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *